Cầu Bosphorus nối liền Đông và Tây, Á và Âu
Tôi đến Istanbul vào một buổi sáng cuối Thu năm 2003, trên trời giăng kín những đám mây xám xịt âm u như đe dọa sẵn sàng đổ những cơn mưa xuống bất kỳ lúc nào. Trên chuyến xe vào thành phố, người hướng dẫn đoàn hỏi “Trên xe có ai đã đến Thổ Nhĩ Kỳ chưa?” Một anh Korea giơ tay lên. Người hướng dẫn hỏi tiếp “Vậy anh có còn giữ đồng tiền nào của Thổ không?” “Có chứ” “Giấy bao nhiêu vậy” “ Hai triệu Lira”[1] Anh bạn Korea vừa nói vừa móc túi giơ cao tờ giấy bạc trong tay. Cả xe ồ lên ngạc nhiên và đổ dồn mắt vào tờ giấy bạc trong tay anh bạn Korea. Tôi nghĩ trong bụng “Anh chàng này lần trước qua đây chơi bời gì mà về rồi còn giữ lại tới 2 triệu đồng?” Người hướng dẫn nói tiếp “Không có gì đáng ngạc nhiên cả, vì tờ giấy bạc đó chỉ tương đương 1,5 đô la Mỹ mà thôi! Tờ giấy bạc lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay là tờ 20 triệu lira !!” [2] Và đó là ấn tượng đầu tiên khi tôi đặt chân đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ này.
Đền thờ Hồi Giáo dọc theo vịnh Golden Horn
Istanbul, từng một thời được biết đến dưới tên ”Thành Constantinople”, là một thành phố mang đầy tính lịch sử, với vị trí độc đáo của nó. Là thành phố duy nhất trên thế giới trải dài giữa hai lục địa (Á và Âu), Istanbul cũng là thành phố duy nhất trên thế giới đã từng được chọn làm thủ đô của ba đế quốc: La Mã, Byzantine và Ottoman. Thành phố nằm ở hai bên của eo biển Bosphorus, một nửa thuộc Á Châu và nửa bên kia thuộc Âu Châu, là nơi tiếp giáp của Đông và Tây, của Á và Âu, nằm trên chặng đầu của “Con đường tơ lụa” huyền hoặc, là nơi hội ngộ và giao hòa của những tôn gíao lớn: Thiên Chúa (Chính Thống) Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo. Trên đường vào thành phố, chúng tôi đi qua hai nghĩa trang đơn giản kề sát bên nhau, và được giải thích một cái là nghĩa trang của người Do Thái Giáo, cái kia là nghĩa trang của người Hồi Giáo! Có nơi nào trên thế giới có được cảnh yên bình như vậy không nhỉ?
Cũng với đặc điểm “đặt hai chân trên hai lục địa”, đã có một chiếc cầu treo độc nhất vô nhị, cầu Bosphorus nối hai nửa thành phố và cũng là hai châu lục này với nhau. Ở một phía đầu cầu có một cái bảng nhỏ ghi dòng chữ “Welcome to Europe”, qua tới đầu cầu bên kia là một bảng khác cũng tương tự như vậy, nhưng ghi “Welcome to Asia”! Rất tiếc là xe đang chạy trên cầu không được phép dừng lại nên tôi không chụp được 2 bảng chữ ngộ nghĩnh này.
Quảng trường Taksim
Ngày đầu tiên chúng tôi thả bộ xuống phố, tới quảng trường Taksim cổ kính của Istanbul. Ngay trước mặt quảng trường là những khu phố ngoằn ngoèo quanh co như phố cổ Hà Nội, đường thì mấp mô chỗ cao chỗ thấp, và hai bên là những dãy nhà với kiến trúc bằng đá xưa cũ, thuần một màu xám xịt. Dọc phố có những hàng bán bánh mì với kiểu thịt nướng thật ngộ (gọi là kebap)[3], từng lát thịt mỏng được xếp chồng lên nhau và xiên trên một lõi sắt, quay đều quanh trục với một góc là lửa đỏ hừng hực …. rồi xắt từng lát theo chiều dọc, kẹp vào bánh mì như kiểu Việt Nam ta! Quảng trường và những con đường chung quanh tấp nập những người đang rảo bước, chủ yếu là người địa phương chứ du khách không nhiều. Những chàng trai, cô gái Thổ thật sắc sảo và quyến rũ với mái tóc dài đen nhánh, cặp mắt to, sâu và cũng đen như mái tóc, sóng mũi cao, những nét đặc trưng của dân miền biển Địa Trung Hải, nhìn thật trẻ trung, khỏe khoắn trong những bộ áo khoác da cũng màu đen.
Nói đến Thổ Nhĩ Kỳ là phải nói đến những đền thờ Hồi Giáo, gọi là Mosque. Ở đây đâu đâu cũng có Mosque, nhưng khác với Mã Lai, Indonesia, đền Mosque ở đây đều mang hình dáng của kiến trúc cổ, được xây dựng bằng đá và có lịch sử tính bằng đơn vị trăm năm ! Nổi tiếng nhất vẫn là “Blue Mosque”, hay Sultan Ahmed Mosque, được xây dựng vào thế kỷ thứ 17.
Đền được mang tên này vì có nội điện được trang trí trên nền của màu xanh blue, dù rằng đó không phải là trang trí gốc. Đền làm hoàn toàn bằng đá, với quy mô thật đồ sộ và kiến trúc phức tạp hơn một đền Mosque thông thường, với một mái vòm (dome) chính thật to ở giữa và rất nhiều các vòm nhỏ bao bọc chung quanh, phía ngoài là những tháp nhọn vươn lên trên nền trời xám xịt của cơn mưa mùa Thu. Đây cũng là đền Mosque duy nhất có đến 6 tháp canh (minaret) chung quanh. Trong chính điện, người ta đang tôn tạo, phục hồi lại những hoa văn, hình ảnh trang trí ngày xưa, không còn lại một chút vết tích nào sự chiếm lĩnh của màu “blue” như trước đây nữa.
Ngay trước mặt “Blue Mosque” là đền Hagia Sophia (the Church of Holy Wisdom)với một lịch sử độc đáo không kém: Được xây dựng từ thế kỷ thứ 4, bị phá hủy rồi xây dựng lại vào thế kỷ thứ 6, Hagia Sophia khởi đầu là một nhà thờ Chính Thống Giáo (Orthodox Church), được đổi lại thành Mosque vào năm 1453 khi người Turk (Thổ) chiếm thành Constantinople, cho đến năm 1935 được đổi lại thành Bảo tàng Ayasofya tới nay.
Khi bước vào trong đền, điều làm tôi ngạc nhiên nhất là trên tường, trên trần, ngoài những nét vẻ độc đáo của nghệ thuật mosaic trên những tranh khảm trên tường, là những hình ảnh của chúa Giê Su vẫn còn lưu lại trên đó. Đó chính là những dấu vết còn sót lại của thời kỳ đầu tiên khi đền còn là một nhà thờ Orthodox, một nhà thờ Chính Thống Giáo Hy Lạp tiêu biểu của thời kỳ đế quốc Byzantine, khi thành Constantinople được chọn làm thủ đô của đế quốc hùng mạnh này. Nhà thờ Hagia Sophia chính là kiểu mẫu hiếm hoi còn sót lại của kiến trúc Byzantine, với những hình ảnh và hoa văn được trang trí bằng nghệ thuật mosaic trên tường, trên trần cùng với những hàng cột cẩm thạch trong chính điện. Khi đạo quân Turk của đế quốc Ottoman chiếm đóng thành Constantinople và một lần nữa chọn thành làm thủ đô của đế chế Ottoman, nhà thờ được “cải biên” lại thành đền Hồi Giáo và xây dựng thêm các tháp xung quanh, tạo nên một kiến trúc kết hợp hài hoà giữa nhà thờ Chính Thống Gíao và đền Hồi Giáo, để ra đời một kiểu dáng mẫu mực của đền Mosque sau này! Nghe lại lịch sử, nhìn lại những hình ảnh của chúa Giê Su và các thánh trên tường của một đền thờ Hồi Giáo, tôi có một cảm giác thật lạ lùng. Hóa ra là thế, ngày xưa những con người của cả hai tôn giáo đã từng có thời “sống chung hoà bình” như vậy, thậm chí còn giao hòa với nhau để cho ra một kiến trúc độc đáo của đền thờ Mosque có mặt khắp nơi trên thế giới ngày nay! Những khối đá xám lạnh lùng như trơ ra dưới cơn mưa nhỏ, thách thức một lịch sử nghìn năm!
Istanbul còn có những độc đáo khác nữa, như hệ thống hầm chứa nước dẫn từ khu rừng Belgrade về để cung cấp cho cả thành phố, được xây dựng từ thế kỷ thứ … 6 !! Chúng tôi ghé thăm Basilica Cistern, là hầm chứa nước lớn nhất Istanbul, với diện tích 143x65m, trữ lượng 80.000m3 nước và được chống đỡ bằng cả một rừng gồm 336 cây cột cẩm thạch cao 9m! Có theo những bậc thang bằng đá lần bước xuống hầm chứa nước lạnh lẽo này mới cảm thấy khâm phục cái vĩ đại của người xưa. Cả một khu hầm nước rộng mênh mông dưới đất, trần được lát và gia cố bằng những cột đá cẩm thạch cùng với những cấu trúc mái vòm như tổ ong để chịu lực, vì thời đó chưa có bê tông cốt thép để đúc đà và sàn cho trần. Người tourguide dắt chúng tôi len lỏi qua những hành lanh âm u trong hầm nước đến một góc tối âm u, ở đó dưới ánh sáng của một ngọn đèn chiếu hắt lên, hiện ra một hình ảnh lờ mờ dưới chân cột. Đến gần bên, chúng tôi mới nhận ra đó chính là một khối đá tạc hình đầu Medusa với những lọn tóc rắn uốn éo nổi tiếng, được đặt nằm ngang đỡ dưới chân cột. Và gần đó, lại một cột đá khác với đầu Medusa được đặt ở vị trí lộn ngược đầu xuống dưới.
Nghe nói rằng theo truyền thuyết, người Thổ Nhĩ Kỳ xưa đã ghép hai khối đá hình đầu Medusa vào góc hai cột đầu tiên của hầm nước để trấn giữ cho hầm khỏi bị yêu quái phá phách! Hầm được sửa chữa và mở cửa cho tham quan từ năm 1987. Du khách đến đây khó lòng quên được cảm giác khi đứng trong khu hầm âm u, lạnh lẽo và nghĩ đến những con người đã có mặt ở đây hàng nghìn năm trước! Buổi tối chúng tôi đi ăn ở một nhà hàng tên là “Orient House”
[4], và lại khám phá ra một nét đặc sắc khác của Istanbul. Trước khi đến, chúng tôi đã đặt bàn và được hỏi là người ở đâu tới. Vì trong đoàn có cả người Việt Nam và Korea nên chúng tôi ghi cả hai quốc tịch. Khi đến nơi chúng tôi mới hiểu, vì bàn của chúng tôi đã được đặt sẵn một lá cờ Hàn Quốc nhỏ, và chủ quán đích thân tới xin lỗi vì … lâu nay chưa có người Việt Nam nào đến đây nên không chuẩn bị sẵn lá cờ Việt Nam cho chúng tôi !!!! Ông hứa (?) lần sau quay trở lại đây sẽ có cờ Việt Nam sẵn sàng ! Các bạn nếu có dịp ghé quán này, nhớ nhắc lời hứa đó giúp tôi nhé! Nhìn quanh chúng tôi thấy mỗi bàn đều có một lá cờ nhỏ, tính chung khoảng hơn mười quốc tịch khác nhau. Và chúng tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác khi một người giống như MC của nhà hàng đứng ra chào mọi người, sau đó đi một vòng, mỗi khi ghé một bàn, ông ta lại xem lá cờ đặt trên bàn rồi nói lời chào và hát một đoạn ngắn một bài hát nổi tiếng của nước đó bằng chính ngôn ngữ đó !!! Ông ta không hề bị trở ngại nào khi đi vòng quanh biểu diễn khả năng độc đáo của ông, cho đến khi ghé qua bàn .. chúng tôi !
Và dĩ nhiên chúng tôi phải “hỗ trợ” ông bằng cách cùng hát lên một bài dân ca Việt Nam J. Ngoài những tiết mục lễ hội, đám cưới truyền thống, một trong những tiết mục chính và không thể thiếu là màn … múa bụng! Thật bõ công chờ đợi, khi chúng tôi được thưởng ngoạn tới .. 3 màn múa bụng của 3 cô vũ nữ nổi tiếng ở Istanbul. Màn múa bụng thật ấn tượng, mặc dù những vũ nữ múa bụng không hề có vòng số 2 mỏng dính như chúng ta vẫn tưởng tượng, mà đều có thân hình hơi “tròn trịa”, kể cả vòng bụng là nơi “hoạt động” tích cực nhất trong suốt màn biểu diễn. Nếu được xem màn biểu diễn này dưới ánh lửa trại bập bùng, nhạc nền Ba Tư âm u chung quanh là những lều trại thì thật là hoàn hảo, y như thời .. đế quốc Ottoman!! Ngày hôm sau, chúng tôi đi thăm và mua sắm tại khu Grand Bazaar. Từ Bazaar xuất phát từ tiếng Ba Tư cổ (Persian) có nghĩa là “chợ có mái che”, nay được dùng với nghĩa “tiệm tạp hóa” của Anh, Mỹ. Con đường lát đá dẫn đến một trong các cửa vào khu Grand Bazaar thật đẹp, với hàng cây phong và những băng ghế đá rải rác trên đường vào để du khách có thể ngồi lại nghỉ ngơi chốc lát. Đây là khu Bazaar lớn nhất thế giới, đúng như tên “Grand Bazaar” của nó, với khoảng 4.000 cửa hàng bán đủ những loại hàng hóa khiến bạn như bị mê hoặc và lạc đi trong mê cung huyền bí của thế giới phương Đông, với vô vàn những cửa tiệm trưng bày thảm dệt tay, đồ da thuộc, các loại gia vị, các loại nữ trang, đồ gốm, đồ lưu niệm ….. Càng đi sâu vào trong thế giới của Grand Bazaar, bạn càng như chìm sâu vào thế giới cổ tích của xứ Ba Tư, với tiếng kèn ma quái đâu đây, cho đến khi bạn chợt bừng tỉnh vì tiếng cụ nự cãi nhau giữa một chủ tiệm và một du khách vì đã lỡ trả giá … đúng giá trị của món hàng (thường là bằng 30% giá chào mời!!!). Và càng chợt tỉnh ra khi cầm lên một món đồ mỹ nghệ xinh xắn, đầy nét đặc trưng của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng khi xoay đế lên để xem nhãn thì thấy ngay dòng chữ … “Made in China” ! Đúng là thời buổi … toàn cầu hoá !!!
Còn nhiều nữa, những nét đẹp, nét cổ kính phương Đông trộn lẫn kiến trúc phương Tây với bao nhiêu dấu tích của lịch sử nghìn năm thăng trầm, với đoạn đường tơ lụa huyền thoại băng qua thành phố, với những phế tích còn lại của đoạn tường thành nổi tiếng “The Theodosian Walls” bao bọc quanh thành Constantinople một thời. Ba ngày ở Istanbul dường như chưa đủ để thỏa mãn sự háo hức lẫn với tò mò của chúng tôi trong khi lang thang đây đó và đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Những gì chúng tôi được chiêm ngưỡng, được thưởng thức có lẽ mới chỉ là một phần nhỏ của cả một thế giới kỳ bí, huyền ảo, được che phủ bởi lớp áo dầy của thời gian mà chỉ có những kẻ kiên nhẫn và nhàn tản mới có thể nhấc được tấm áo ấy lên để thấy được cả một thế giới cổ xưa bừng lên trước mắt. Chúng tôi rời Istanbul trong niềm tiếc nuối đó. Hãy đến thăm Istanbul một lần trong đời, để chiêm nghiệm lịch sử, và để thấy sự nhỏ bé nhưng vĩ đại của một mảnh đất!

Hà Túc Đạo - Tháng 2 - 2007
[1] Đơn vị tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó
[2] Tại thời điểm 2003. Đồng “coin” duy nhất mà tôi sưu tầm được trong chuyến đi này là đồng … 500.000 lira! Từ 1/1/2005, Thổ Nhĩ Kỳ đã đổi lại cơ cấu tiền tệ mới, một đồng “new lira” được trị giá bằng 1.000.000 đồng lira cũ
[3] Khi vừa viết xong bài này, tôi chợt phát hiện ra ở đường Võ văn Tần đã có một quán tên “Istanbul Kebap” với món thịt nướng độc đáo kiểu đó
[4] Orient House - Tiyatro Caddesi No. 27 , Beyazit, Istanbul, Turkey
Tel: + 90 212 5176 163